Phát hiện Omeisaurus

Omeisaurus lần đầu tiên được Dương Chung Kiện (楊鍾健) miêu tả năm 1939. Nó được đặt tên theo ngọn núi linh thiêng của người Trung Quốc là núi Nga Mi, nơi mẫu hóa thạch đầu tiên của Omeisaurus được tìm thấy. Loài đầu tiên, O. junghsiensis, được phát hiện trong khu vực huyện Vinh.

Phần lớn các bộ xương của Omeisaurus được tìm thấy trong thập niên 1970 và 1980.

Hiện tại người ta miêu tả 7 loài thuộc chi Omeisaurus, bao gồm:

  • O. junghsiensis - Nga Mi long huyện Vinh
  • O. changshouensis - Nga Mi long Trường Thọ
  • O. fuxiensis - Nga Mi long Phủ Khê
  • O. tianfuensis - Nga Mi long Thiên Phủ
  • O. luoquanensis - Nga Mi long La Toàn
  • O. maoianus - Nga Mi long Mao Thị
  • O. jiaoi - Nga Mi long Triệu Thị.

Năm loài đầu được đặt tên theo nơi mà chúng được tìm thấy. O. fuxiensis là loài nhỏ nhất, chỉ dài khoảng 11 mét (36 ft). O. tianfuensis là loài có cổ dài nhất trong chi, khoảng 9 mét (30 ft). Khủng long có cổ dài hơn nó chỉ là Mamenchisaurus. Một hóa thạch đuôi chùy được phát hiện trong cùng một lớp trầm tích chứa xương hóa thạch của Omeisaurus nên từng được người ta coi là thuộc về chi này, nhưng hiện nay người ta tin rằng nó thuộc về một mẫu vật lớn hơn thuộc chi Shunosaurus.

Các bộ xương phục dựng của Omeisaurus được trưng bày tại Bảo tàng Khủng long Tự Cống ở Tự Cống (tỉnh Tứ Xuyên) và tại Bảo tàng Bắc Bồi, gần Trùng Khánh, cả hai đều ở Trung Quốc.